Năng động, tràn đầy nhiệt huyết và tự tin vào hướng đi đầy sáng tạo của video clip trong thế giới khởi nghiệp, Jane Võ và Max Murta, hai nhà đồng sáng lập công ty sản xuất truyền thông đa phương tiện A bow of rice, đã có buổi chia sẻ đầy thú vị với báo Khoa học & Phát triển về các dự án xã hội hướng đến giới trẻ, hướng khởi nghiệp của hai vợ chồng.

Chân dung Jane Võ – Giám đốc điều hành A bowl of rice Production.
Chân dung Jane Võ – Giám đốc điều hành A bowl of rice Production.

Xin chào Jane Võ. Được biết vừa qua, tại Saigon Innvation Hub (SIHUB), bạn và ông xã Mar Murta vừa tham gia một buổi tập huấn chuyên đề “kỹ năng kể chuyện qua video” qua video cho các bạn trẻ đang tham gia chương trình Generation Unlimited của UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc) phối hợp cùng SIHUB. Bạn có thể chia sẻ một chút về cảm nhận qua buổi nói chuyện này?

Jane Võ: Thực sự mà nói thì các bạn trẻ tham gia dự án này của UNICEF quả thật còn… rất trẻ. Mình nhìn thấy có nhiều bạn vẫn còn mặc áo đồng phục của các trường trung học phổ thông khi tham dự chương trình, có lẽ hầu hết các bạn đều đang ở độ tuổi 18 – 20. Điều đó làm mình khá tự hào về giới trẻ Việt Nam hiện nay. Mình nhớ rằng khi mình còn ở độ tuổi ấy, mình và các bạn đồng trang lứa vẫn chưa có được sự dạn dĩ để học hỏi và tham gia các khóa đào tạo, tập huấn,… như hiện nay.

Do thời gian có hạn, nên hôm ấy mình và ông xã chủ yếu nói chuyện với các bạn về sự sáng tạo và một số cá tính phù hợp để đảm trách các vai trò khác nhau trong một đội (team) thực hiện video clip. Ví dụ như nếu bạn có khả năng quản lý, quán xuyến mọi việc tốt thì nên là nhà sản xuất (producer). Hoặc bạn thấy mình có thể sáng tạo, bay bổng với các ý tưởng mới lạ, có thể trở thành người biên kịch (content creator),…

Chương trình Generation Unlitmited

Với thông điệp chủ chốt “Đã đến thời của chúng tôi, cơ hội của chúng tôi, tương lai của chúng tôi”, chương trình Generation Unlitmited là một phần trong Chiến lược Thanh Niên của Liên Hiệp Quốc đến năm 2030, tại thời điểm mà số lượng thanh thiếu niên thế giới sẽ tăng đến con số 2 tỉ người. Chương trình mời gọi sự tham gia của thanh thiếu niên, các cơ quan chính phủ, các tổ chức đa phương, khu vực tư nhân và xã hội dân sự cùng tăng cường đầu tư vào giáo dục, đào tạo kỹ năng và tăng quyền, với ưu tiên dành cho nữ giới và các nhóm thiệt thòi, dễ tổn thương trong xã hội.

Jane Võ trong buổi chia sẻ cùng các bạn trẻ tham gia chương trình GenU của UNICEF tại Saigon Innovation Hub – TP. HCM.
Jane Võ trong buổi chia sẻ cùng các bạn trẻ tham gia chương trình GenU của UNICEF tại Saigon Innovation Hub – TP. HCM.

Các đội nhóm được lựa chọn sẽ tham gia giai đoạn huấn luyện chuyên sâu do UNICEF tài trợ toàn phần để phát triển ý tưởng thành kế hoạch thực hiện dự án hoàn chỉnh. Sau khóa đào tạo, 6 dự án thuyết trình thành công và có kế hoạch khả thi nhất sẽ nhận được 1,000 USD vốn khởi động để hoàn thiện và chạy thử dự án trong 2 tháng. Chương trình hỗ trợ kỹ năng quản lý, vận hành và huy động nguồn lực cho dự án được thiết kế tương thích cho đặc thù từng đội. Kết thúc giai đoạn này, 2 dự án xuất sắc nhất sẽ được chọn để giới thiệu tại cuộc thi cấp quốc tế của UNICEF và có cơ hội nhận được 20,000 USD để triển khai tiếp dự án ở quy mô rộng lớn hơn.

Còn điều gì tâm huyết hơn… một chút mà Jane đã nhắn gửi trong buổi hôm ấy không?

Jane Võ: Một điều mình rất tâm huyết khi trò chuyện cùng các bạn về nghệ thuật làm video vào các mục đích gọi vốn, đó là các bạn hãy thật sự để tâm vào câu chuyện. Sự sáng tạo khiến cho thông điệp truyền tải được hấp dẫn và thuyết phục người xem. Trong đó, câu chuyện chính là chìa khóa của sáng tạo. Một câu chuyện hay, thú vị là cái sườn không thể thiếu để từ đó các video clip thú vị ra đời. Và như vậy thì dù là clip một phút, ba phút hay thời lượng bao nhiêu đi nữa, vẫn nên bắt đầu từ một câu chuyện sáng tạo.

Vậy các kỹ thuật quay, dựng, ánh sáng,… thì sao? Chúng ta đang nói về video clip, không phải… tiểu thuyết, thế nên liệu chỉ có câu chuyện đã đủ hấp dẫn người xem?

Jane Võ: Tất nhiên các yếu tố đó vẫn có vị trí của chúng, song do thời gian của mình với các bạn tuổi teen chỉ gói gọn trong một buổi, thế nên mình và anh Max khó mà chia sẻ quá nhiều về kỹ thuật với các bạn được. Mình cũng đã nhận được rất nhiều câu hỏi về kỹ thuật trong ngày hôm ấy. Dù sao, theo mình nghĩ, các bạn có thể tìm hiểu về kỹ thuật quay, dựng,… một cách rất dễ dàng qua các tài liệu trên mạng. Các bạn có thể học được rất nhiều công nghệ mới, khiến việc tạo clip ngày càng đơn giản hơn, thuận tiện hơn. Nhưng việc sáng tạo thì… khó hơn, do đó mình quyết định nói nhiều hơn về câu chuyện và sự sáng tạo ảnh hưởng đến quyết định cấp vốn của nhà đầu tư đối với các dự án.

Anh Max Murta đang trong quá trình sản xuất phim tại một tỉnh vùng cao ở Việt Nam.
Anh Max Murta đang trong quá trình sản xuất phim tại một tỉnh vùng cao ở Việt Nam.

Đạo diễn Max Murta, anh nghĩ thế nào về vai trò của biên kịch so với đạo diễn, ai quan trọng hơn?

Max Murta: Tôi nghĩ tất nhiên trong phim ảnh, người đạo diễn quan trọng hơn. Điều này có hơi khác với Jane (cười). Người đạo diễn giống như một người quản lý tất cả mọi nguồn lực của một dự án phim, sau đó mới đến vai trò của nhà sản xuất, kế đến mới là nhà biên kịch. Câu chuyện không thể chỉ được kể trên màn ảnh bằng những đoạn thoại (script) hấp dẫn. Tuy nhiên, trong nghệ thuật sân khấu (theater) thì ngược lại, nhà biên kịch đóng vai trò quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, tôi cũng đồng tình với việc Jane nói về việc các bạn trẻ cần chú tâm vào câu chuyện. Nhất là khi bạn làm clip để kêu gọi đầu tư, thì câu chuyện là một điểm rất quan trọng trong marketing. Qua câu chuyện hay, mới lạ, các bạn mới có thể hấp dẫn người xem, cũng như khiến các nhà đầu tư cảm nhận được hết nhiệt huyết và thực lực của mình. Càng đầu tư nhiều thời gian, tâm sức, bạn càng có được một clip hấp dẫn. Thêm một mẹo nhỏ nữa, đó là sau khi làm xong clip, các bạn hãy mang cho từng nhóm nhỏ khán giả xem và góp ý. Từ đó, họ sẽ cho các bạn những phản hồi hữu ích. Và thế là clip của các bạn sẽ hay lên từng ngày. Tất nhiên là mất thời gian rồi, nhưng muốn thành công thì có cách nào khác đâu…

Một câu hỏi cuối: bên cạnh việc kinh doanh, các bạn dự định sẽ có thêm những hoạt động cộng đồng nào khác, giống như buổi tập huấn về kỹ năng làm video clip gọi vốn vừa rồi?

Jane Võ: Mình vẫn duy trì một kênh Youtube chuyên dạy tiếng Anh miễn phí cho cộng đồng trên mạng. Ngoài ra, mình và Max cũng sẽ tiếp tục dự án The Pho Real channel của Global Shapers, thuộc Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại TP. HCM. Đây là một dạng talkshow được mình thực hiện, phỏng vấn các nhân vật tài năng và có sức lan tỏa ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Hi vọng các dự án này đều sẽ mang lại những điều có ý nghĩa cho mọi người…

Cảm ơn Jane và Max. Chúc 2 bạn luôn vui tươi và thành công…

Jane Võ (sinh năm 1987) tên khai sinh là Võ Ngọc Tâm Thanh, hiện đang là Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty A Bowl of Rice Productions từ năm 2014, đồng thời phụ trách dự án Global Shapers Ho Chi Minh City Hub của Diễn đàn kinh tế thế giới –WEF - tại TP HCM. PHO REAL là một nhánh dự án của Global Shapers, đây là một kênh video và podcast nhằm giúp đỡ các bạn trẻ đang trưởng thành bằng việc đưa ra những chỉ dẫn, lời khuyên và góc nhìn mới từ những người thành công đi trước.

Đạo diễn người Mỹ Max Murta (sinh năm 1985) là Đồng sáng lập và Giám đốc Sáng tạo của A Bowl of Rice Productions, với hơn mười năm kinh nghiệm trong việc sản xuất phim và video. Các sản phẩm video chuyên về gọi vốn (pitching) là một thế mạnh của công ty do hai vợ chồng Jane và Max sáng lập.